Dự án xây dựng Cầu Mỹ Thuận 2 và đường dẫn 2 đầu cầu là dự án hạ tầng giao thông trọng điểm, góp phần hoàn chỉnh mạng lưới giao thông kết nối các đường trục chính đã và đang được thi công xây dựng tại khu vực, giảm tải cho cầu Mỹ Thuận và QL1A. Sau khi hoàn thành, Cầu Mỹ Thuận 2 sẽ kết nối hai tuyến đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận và Mỹ Thuận – Cần thơ để hoàn thiện tuyến cao tốc từ TP.HCM đi Cần Thơ.
Công ty CP Đầu tư Xây dựng và Kỹ thuật VNCN E&C, Tổng Công ty xây dựng công trình giao thông 1 – Công ty cổ phần, và Công ty CP Xây dựng và lắp máy Trung Nam đã liên danh đấu thầu và sẽ thực hiện gói thầu XL.03A bao gồm các các hạng mục chính:
- – Thi công Cọc khoan nhồi đường kính 2.5m: Tổng cộng 60 cọc (26 cọc thuộc trụ tháp T15 có chiều dài 115m, 26 cọc thuộc trụ tháp T16 có chiều dài 110m, 4 cọc thuộc trụ neo T14 có chiều dài 75m và 4 cọc thuộc trụ neo T17 có chiều dài 70m).
- – Kiểm tra sức chịu tải cọc bằng phương pháp thí nghiệm tự cân bằng tải trọng (thí nghiệm Osterberg): thí nghiệm 4 cọc tại 2 trụ tháp và 2 trụ neo.
- – Thi công bệ: thi công 2 bệ trụ tháp có kích thước 65.3m x17.5m x5m và 2 bệ trụ neo có kích thước 24.25m x5.0m x3.5m.
Cầu Mỹ Thuận 2 nằm cách cầu Mỹ Thuận hiện tại 350m về phía thượng nguồn, đoạn cầu chính bắc qua sông Tiền nằm trên tuyến đường thẳng. Cầu sẽ nối tỉnh Tiền Giang với tỉnh Vĩnh Long, từ huyện Cái Bè của Tiền Giang đến thành phố Vĩnh Long. Cầu được xây dựng theo quy mô giai đoạn hoàn chỉnh: chiều rộng cầu giữa mép ngoài của lan can Bbridge=25m. Trong đó, giai đoạn 1 sẽ được tổ chức với 4 làn xe. Giai đoạn hoàn chỉnh sẽ tổ chức lại giao thông để đảm bảo quy mô 6 làn. Tổng chiều dài cầu Mỹ Thuận 2 đến mố cầu là 1.906km. Cầu chính là Cầu dây văng bê tông cốt thép dự ứng lực ba nhịp với chiều dài nhịp chính là 350m và chiều dài nhịp dẫn 150m. Cách bố trí cầu chính của cầu Mỹ Thuận 2 giống với cầu Mỹ Thuận hiện có. Trụ tháp là Trụ tháp hình kim cương, bằng bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực. Trụ tháp đặt trên hệ móng cọc khoan nhồi gồm 26 cọc có đường kính 2,5m. Trụ neo: Trụ neo bằng bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực. Trụ neo được đặt trên hệ móng cọc khoan nhồi gồm 4 cọc có đường kính 2,5m.
Với đội ngũ kỹ sư giỏi, công nhân lành nghề, áp dụng các các công nghệ thi công tiên tiến, hiện đại đã được triển khai trên các công trường xây dựng như Cầu Cao Lãnh, Cầu Nhật Tân, Cầu Thanh Trì, Cầu Bãi Cháy,… VNCN E&C tin chắc sẽ đáp ứng được sự tin cậy của Chủ đầu tư, Ban Quản lý Dự án 7 – Bộ GTVT thực hiện thành công dự án, góp phần cho sự phát triển giao thông HCM – Cần Thơ, đóng góp và tạo đà cho sự phát triển kinh tế xã hội của hai Tỉnh Tiền Giang và Vĩnh Long.
VNCN E&C sẽ phát huy năng lực kỹ thuật tiên tiến, kinh nghiệm quản lý điều hành dự án, nguồn lực về tài chính để thi công công trình đảm bảo mỹ thuật, kỹ thuật, kinh tế, an toàn lao động vệ sinh môi trường và bàn giao công trình đúng tiến độ thi công, phấn đấu thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ đề ra: “Phát triển kinh tế và chống dịch hiệu quả”