Hình 1: Lễ khởi công Xây dựng công trình đường bộ cao tốc Cao Lãnh – An Hữu, Ngày 25/06/2023
Vùng Đồng bằng sông Cửu Long là vùng cực Nam của Việt Nam, là vùng đồng bằng có tổng diện tích lớn nhất nước với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao so với mặt bằng chung của cả nước. Tuy nhiên, thu hút FDI (đầu tư trực tiếp nước ngoài) của nơi được coi là vựa lúa, trái cây và thủy hải sản của Việt Nam còn ở mức thấp cả về dự án và tổng vốn đầu tư đăng ký (đứng thứ 4/6 vùng của cả nước). Một trong những khó khăn của vùng là hạ tầng giao thông, đặc biệt là mạng lưới đường bộ còn yếu kém, dẫn đến khó hấp dẫn thu hút đầu tư. Đối với hạ tầng giao thông đường bộ, mặc dù đã được Chính phủ chú trọng đầu tư, tuy nhiên do mật độ kênh rạch trong khu vực khá nhiều nên mạng lưới giao thông đường bộ phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của vùng; các trục đường cao tốc có năng lực thông hành lớn còn rất hạn chế. Chính vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định số 68/QĐ-TTg ngày 15/01/2018 về việc Phê duyệt Quy hoạch xây dựng Vùng đồng bằng sông Cửu Long và quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 01/3/2016 về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam trong đó huy động nguồn lực để ưu tiên đầu tư xây dựng mạng lưới đường bộ trong vùng, đặc biệt là các tuyến đường cao tốc.
Dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Cao Lãnh – An Hữu giai đoạn 1 được chính phủ phê duyệt tại quyết định 769/QĐ-TTg ngày 24 tháng 6 năm 2022. Việc đầu tư xây dựng mới tuyến đường cao tốc Cao Lãnh – An Hữu góp phần hoàn chỉnh mạng lưới giao thông trong khu vực, đáp ứng nhu cầu vận tải trên tuyến hành lang theo trục ngang chạy theo bờ Bắc sông Tiền, đồng thời đoạn tuyến là một phần tuyến cao tốc Hồng Ngự – Trà Vinh để kết nối cửa khẩu quốc tế Dinh Bà (tỉnh Đồng Tháp) với các cảng biển khu duyên hải, khu kinh tế Định An (tỉnh Trà Vinh).
Hình 2: Bản đồ hướng tuyến đoạn Km0+000 – Km16+000
Dự án thành phần 1 Cao tốc Cao Lãnh – An Hữu có chiều dài tuyến là 16 Km với điểm đầu kết nối với tuyến cao tốc Mỹ An – Cao Lãnh (cách nút giao An Bình khoảng 3,6km ) thuộc xã Nhị Mỹ, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp và điểm cuối tại Km16+000; Xã Mỹ Hiệp, Huyện Cao Lãnh, Tỉnh Đồng Tháp. Liên danh Công ty CP Đầu tư Xây dựng và Kỹ thuật VNCN E&C – Công ty TNHH một thành viên cơ khí và xây dựng Thiên An – Công ty TNHH đầu tư xây dựng Dacinco đã trúng thầu gói số 14: Xây dựng đoạn Km0+000~Km16+000 thi công với giá trị trúng thầu là 2.805.790.749.000 VND, thực hiện trong thời gian 28 tháng.
Công trình được quy hoạch theo quy mô như sau:
– Cấp đường:
+ Đường cao tốc đô thị (vận tốc thiết kế V = 100km/h)
+ Trong giai đoạn 01 xây dựng 04 làn xe, kết hợp giảm bề rộng các yếu tố mặt cắt ngang đường cao tốc và bố trí cách quãng lề gia cố (dải dừng xe khẩn cấp với khoảng cách 4-5km/1 điểm).
– Mặt cắt ngang điển hình: 04 làn xe cơ giới.
– Nút giao: 01 nút giao liên thông: Nút giao giữa cao tốc với tuyến cao tốc Mỹ An – Cao Lãnh trong giai đoạn hoàn chỉnh là nút giao hoa thị hoàn chỉnh, trong giai đoạn 1 nút giao có dạng bán hoa thị.
– Cầu: 19 cầu trên tuyến.
– Chiếu sáng: bố trí hệ thống chiếu sáng tại nút giao.
– Quy mô giai đoạn 1 và tiêu chuẩn kỹ thuật các hạng mục chính của dự án: Xây dựng 4 làn xe cơ giới, vận tốc thiết kế V=80km/h. Quy mô mặt cắt ngang (tim giai đoạn 1 lệch về bên phải so với tim cao tốc theo giai đoạn hoàn chỉnh 3,875m):
– Do tuyến dự án sẽ được khai thác theo tiêu chuẩn đường cao tốc nên cần bố trí đường gom dọc theo một số đoạn tuyến cao tốc: nhằm phục vụ nhu cầu đi lại của dân cư hai bên vào các vị trí vượt hay chui qua đường cao tốc. Quy mô của đường gom được bố trí theo đường giao thông nống thôn cấp B (theo TCVN 10380 : 2014)
Hình 3: Phối cảnh quy mô dự án
VNCN E&C thực hiện thi công nền móng mặt đường BTN, thì công hệ thống thoát nước, thi công cầu trên tuyến, hệ thống chiếu sáng, an toàn giao thông. Hiện nay, VNCN E&C đang đẩy nhanh tiến độ thi công triển khai các hạng mục sau: Thi công đào đất không thích hợp tuyến chính, đường gom, đường công vụ; Bơm cát đắp nền đường tuyến chính, đường gom, đường công vụ; Bơm cát đắp tạo mặt bằng thi công mố trụ cầu trên tuyến; Phần cầu: đóng cọc BTCT D600 DƯL, chuẩn bị mặt bằng thi công cọc khoan nhồi D1200.
VNCN E&C tập trung nhân lực và thiết bị để đẩy nhanh công tác triển khai thi công tại dự án góp phần hoàn thành sớm dự án cao tốc Cao Lãnh – An Hữu giúp cho nông sản của nông dân Đồng Tháp và các Tỉnh lân cận sẽ đi xa hơn; Cơ hội trao đổi, buôn bán, giao lưu văn hóa trong vùng và TP.HCM sẽ thuận tiện hơn; Người dân miền Tây Nam Bộ sẽ có nhiều điều kiện để phát triển, có cuộc sống tốt hơn.
Một số hình ảnh công tác thi công trên công trường dự án:
Hình 4: Thi công nền đường
Hình 5: Công tác kiểm tra đào nền đường
Hình 6: Công tác trải vải địa kỹ thuật